Thiết kế Xe_tăng_Tiger_I

Tiger I khác biệt so với những chiếc xe tăng thời kỳ đầu của Đức chủ yếu trong triết lý thiết kế của nó. Những chiếc xe tăng thời trước có độ cân bằng giữa tính cơ động, bảo vệ và hoả lực, và thỉnh thoảng có hoả lực kém hơn các đối thủ. Trong khi đó, Tiger I thể hiện một cách tiếp cận mới của Đức: hy sinh độ cơ động để tăng cường hoả lực và giáp bảo vệ cho xe.

Các cuộc nghiên cứu thiết kế cho một chiếc xe tăng hạng nặng mới đã bắt đầu năm 1937, mà không có bất kỳ kế hoạch sản xuất nào. Động lực cho loại Tiger ra đời chính là từ chất lượng của những chiếc T-34 Liên Xô mà quân đội Đức gặp phải năm 1941.[2] Dù thiết kế chung và cách bố trí hầu như tương tự như chiếc xe tăng hạng trung trước đó là Panzer IV, Tiger nặng hơn gấp đôi. Điều này bởi lớp vỏ giáp rất dày, súng chính lớn hơn và cùng với đó là dung tích nhiên liệu cùng trọng lượng đạn dược, động cơ lớn hơn, và hệ thống treo và chuyển động chắc chắn hơn. Nói cách khác, Tiger I chính là Panzer IV phóng to ra để có giáp dày hơn và pháo mạnh hơn.

Giáp

Vỏ giáp của Tiger I lên tới 120 mm ở phía trước. Chiếc xe tăng này đã được biên chế cho Schwere SS-Panzer-Abteilung 101 hoạt động ở miền bắc nước Pháp năm 1944.

Tiger I có lớp vỏ giáp phía trước thân xe dày tới 100mm và giáp trước tháp pháo tới 120mm, so với 80mm ở giáp trước thân xe và 50mm ở giáp trước tháp pháo của những phiên bản Panzer IV cùng thời.[3][4] Nó cũng có các tấm vỏ thân dày tới 60mm và lớp giáp 80 mm ở cạnh và phía sau siêu cấu trúc, hai bên tháp pháo và phía sau là 80 mm. Lớp giáp phía trên và phía dưới dày 25mm, từ tháng 3 năm 1944 mái tháp pháo được tăng chiều dày lên tới 40.[5] Các tấm giáp phần lớn là phẳng, với kiểu kết cấu cài. Các điểm nối giáp có chất lượng rất tốt, được dập hay hàn vào nhau chứ không phải bằng cách tán rivet.

Nhìn chung, giáp của Tiger I là rất tốt nếu so với những loại xe tăng hạng trung cùng thời, nó có thể chống chọi rất tốt với hỏa lực trên các loại xe tăng hạng trung vào năm 1943 như T-34/76 (mang pháo 76mm) hoặc M4 Sherman (mang pháo 75mm). Tuy nhiên, kết cấu vỏ giáp của Tiger I vẫn áp dụng kiểu giáp thẳng đứng cổ điển của những chiếc Panzer IV, do vậy cả xe nặng tới 57 tấn. Sau khi Tiger I ra đời không lâu, Liên Xô đã cho ra đời các dòng xe tăng hạng nặng như IS-1, IS-2 có vỏ giáp trội hơn nhiều so với Tiger I, nhờ áp dụng kiểu giáp nghiêng nên các loại xe này lại nhẹ hơn đáng kể (IS-2 chỉ nặng 46 tấn). Các loại xe tăng hạng trung của Đồng Minh cũng được nâng cấp hỏa lực, có thể xuyên thủng được giáp trước của Tiger I ở cự ly trung bình (tiêu biểu là các loại T-34/85 và M4A3E8 Sherman). Với việc vỏ giáp trở nên lạc hậu, từ tháng 8/1944, Đức đã ngừng sản xuất Tiger I để chuyển sang sản xuất loại xe tăng siêu nặng Tiger II có giáp dày hơn.

Pháo

Cơ cấu khoá và khai hoả được lấy từ loại súng phòng không lưỡng dụng nổi tiếng "88" của Đức. Súng 88 mm Kwk 36 L/56 là biến thể được lựa chọn cho chiếc Tiger và, cùng với loại 88 mm Kwk 43 L/71 của Tiger II, là một trong những loại pháo có hoả lực đáng sợ và hiệu quả nhất trong Thế chiến II.

Pháo của Tiger có kính ngắm Zeiss Turmzielfernrohr TZF-9B có độ phóng đại 2,5x với trường nhìn 25°, chất lượng thấu kính khá tốt, đủ để ngắm bắn chính xác xe tăng địch ở cự ly 1.500 mét. Về sau, những chiếc Tiger I được trang bị kính ngắm một mắt TZF-9C có độ phóng đại 2 chế độ: 2,5x với trường nhìn 28° hoặc 5x với trường nhìn 14°, đây là một trong những loại kính ngắm tốt nhất của xe tăng thời đó. Đối thủ của Tiger I là xe tăng IS-2 của Liên Xô thì được trang bị kính ngắm TSh-17 có tính năng gần tương đương (độ phóng đại 4x với trường nhìn 16°). Trong những cuộc thử nghiệm của Anh, khẩu 88mm đạt năm lần bắn trúng liên tiếp vào một mục tiêu 16x18 inch từ khoảng cách 1200 yard. Những chiếc Tiger được báo cáo đã hạ các xe tăng đối thủ từ những khoảng cách xa hơn 1,6 km, mặc dù hầu hết các trận đánh trong Thế chiến II đều diễn ra ở những khoảng cách thấp hơn thế nhiều.

Các loại đạn được sử dụng

Xem thêm thông tin: 8.8 cm KwK 36 § Đạn
  • PzGr.39 (Armour Piercing Capped Ballistic Cap)
  • PzGr.40 (Armour Piercing Composite Rigid)
  • Hl. Gr.39 (High Explosive Anti-Tank)
  • Sch Sprgr. Patr. L/4.5 (Incendiary Shrapnel)

Tính cơ động

Cảnh sản xuất các bánh gối và chen của Tiger I

Xe tăng Tiger I quá nặng với hầu hết các cây cầu, vì thế nó được thiết kế để có thể đi qua nơi nước sâu bốn mét. Điều này đòi hỏi những cơ cấu phức tạp để thông gió và làm mát khi nó đang lội nước. Ít nhất nó cần 30 phút[cần dẫn nguồn] để chuẩn bị lắp đặt, tháp pháo và pháo được bịt lại ở phía trước, và một ống thông hơi lớn được dựng lên ở phía sau. Chỉ 495 chiếc đầu tiên được trang bị hệ thống lội nước này; tất cả các model sau đó đều chỉ có khả năng lội qua hai mét nước.

Phía sau xe là một khoang động cơ với hai khoang khác ở bên cạnh, mỗi khoang này có bình nhiên liệu, hệ thống tản nhiệt, và các quạt gió. Động cơ xăng là loại 12-xi lanh Maybach HL 210 P45 21 lít (1282 cuin) với 650 PS (641 hp, 478 kW). Dù là một động cơ tốt, nó vẫn chưa đủ khoẻ cho chiếc xe. Từ chiếc Tiger số 250 trở đi, nó được thay thế bằng loại HL 230 P45 (23 lít/1410 cuin) nâng cấp với 700 PS (690 hp, 515 kW). Động cơ hình chữ Vi với hai hàng xi lanh 60 độ. Một bộ phận khởi động quán tính được lắp phía bên phải, dẫn động thông qua các cơ cấu xích qua một cổng ở phía sau xe. Động cơ có thể được nhấc ra qua một cửa sập trên mái thân.

Động cơ dẫn động các bánh xích phía trước, được lắp đặt khá thấp. Tháp pháo mười một tấn có một động cơ thuỷ lực được dẫn động bởi năng lượng lấy từ động cơ. Một vòng quay 360 độ mất khoảng một phút. Hệ thống treo dùng mười sáu thanh lò xo, với tám lò xo treo mỗi phía. Có ba bánh xe trên mỗi tay lò xo, khiến chiếc xe tăng có khả năng băng đồng tốt. Các bánh xe có đường kính 800mm và được gối và chen lẫn nhau. Việc thay thế một bánh phía trong đã mất lớp vỏ (thường xuyên xảy ra) cũng đòi hỏi phải tháo dỡ nhiều chiếc phía ngoài. Các bánh xe cũng có thể bị kẹt bởi bùn hay tuyết đóng băng. Cuối cùng, một thiết kế bánh xe 'thép' mới, rất giống các bánh xe trên Tiger II, với một lớp vỏ phía trong được thay thế, khiến giống như chiếc Tiger II, chỉ gối mà không chen.

Để đỡ trọng lượng quá lớn của chiếc Tiger, hai bánh xích có cỡ rộng chưa từng thấy là 725mm. Để đáp ứng các giới hạn về trọng lượng vận chuyển trên đường sắt, hàng bánh phía ngoài phải bỏ đi và một loại bánh xích đặc biệt 520mm dùng trong vận chuyển được lắp vào. Với một kíp lái tốt, việc thay xích mất 20 phút.

Tiger I được tời kéo bởi 2 chiếc Sd.Kfz. 9

Một đặc điểm mới khác là hộp số điều khiển thuỷ lực Maybach-Olvar và hệ thống truyền động bán tự động. Trọng lượng quá nặng của chiếc xe tăng cũng đòi hỏi một hệ thống lái mới. Thay cho các thiết kế khớp ly hợp và phanh của những loại xe nhẹ hơn, một biến thể của hệ thống bán kính đơn Merritt-Brown của Anh được sử dụng. Hệ thống lái của chiếc Tiger là kiểu bán kính đôi, có nghĩa là hai bán kính quay cố định khác biệt có thể được thực hiện ở mỗi số; bán kính nhỏ nhất ở số một là bốn mét. Bởi chiếc xe có hộp số tám số, nên nó có mười sáu bán kính quay khác nhau. Nếu cần có một bán kính quay nhỏ hơn, chiếc xe tăng có thể quay bằng cách sử dụng phanh. Hệ thống lái dễ sử dụng và là tiến bộ so với thời kỳ đó. Tuy nhiên, các đặc điểm di chuyển của xe tăng vẫn còn nhiều điều đáng tiếc. Khi được dùng để tời kéo một chiếc Tiger hỏng, động cơ thường quá nóng và thỉnh thoảng khiến hỏng động cơ hay động cơ bốc cháy, vì thế các xe tăng Tiger bị quy định cấm tời kéo những đồng đội đang bị hỏng hóc. Bánh xe thấp hạn chế tầm vượt vật cản. Các bánh xích cũng có khuynh hướng trượt ngoài bánh xe, dẫn tới xe không thể chuyển động. Nếu xích bị trượt và xe bị kẹt, thường cần tới hai chiếc Tiger để kéo chiếc bị hỏng. Bánh xích bị kẹt cũng là một vấn đề lớn, vì độ căng lớn, thỉnh thoảng nó không thể nhả xích bằng cách bỏ các chốt xích. Thỉnh thoảng nó đơn giản là bật tung ra với một tiếng nổ. Xe kéo cứu chữa tiêu chuẩn của Đức Famo không thể kéo được Tiger; thông thường cần tới ba xe này để kéo một chiếc Tiger.

Khoang kíp lái

Bố trí bên trong đúng theo kiểu các xe tăng của Đức. Phía trước là một khoang kíp lái mở, với lái xe và điện đài viên ngồi phía trước bên cạnh nhau ở hai phía của hộp số. Phía sau họ sàn tháp pháo bị bao quanh bởi các thanh tạo thành một bề mặt liên tục. Điều này giúp người nạp đạn dễ thao tác lấy đạn, chủ yếu được xếp trên các bánh xích. Hai người ngồi trong tháp pháo; pháo thủ phía trái súng, và chỉ huy phía sau anh ta. Cũng có một ghế gấp cho người nạp đạn. Tháp pháo có một sàn hình tròn và khoảng không cao 157 cm.